viem-amidan-o-tre-em

Viêm amidan ở trẻ em

Admin 05/08/2020

(ytethaihung.vn) Amidan thường bắt đầu phát triển mạnh từ 2 tuổi trở đi, trẻ nhỏ hơn 2 tuổi bị viêm mũi họng thường là do VA chứ không phải do amiđan (ngoại trừ trường hợp đặc biệt). Trẻ càng lớn amidan teo nhỏ dần và mất hẳn ở tuổi trưởng thành.

Người lớn có amiđan to và nhất là chỉ to một bên, cần thăm khám ngay và làm xét nghiệm tổ chức học để phát hiện sớm ung thư amiđan.

Viêm amiđan có 2 thể: Thể cấp tính và mạn tính.

Thể cấp tính:

Xuất hiện khi thay đổi thời tiết hoặc nhiệt độ đột ngột. Hai triệu chứng chính là: sốt cao và đau họng (đau tăng khi nuốt). Hơi thở hôi, có thể thấy hạch góc hàm. Khi khám thấy amiđan sưng to, đỏ rực.

Thể mãn tính:

Chủ yếu hay húng hắng ho, rát họng, cảm giác vướng đờm ở họng nên bệnh nhân hay phải khạc nhổ. Khi khám thấy amiđan to hoặc teo, nhưng trên bề mặt có nhiều chấm mủ trắng như bã đậu.

Ở trẻ em, viêm amiđan mạn tính thường quá phát triển làm ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ: trẻ chậm lớn, người xanh xao mệt mỏi; gây rối loạn hô hấp (đêm ngủ hay ngáy to), rối loạn phát âm (giọng nói khàn), rối loạn nuốt. Khi khám thấy 2 amiđan rất to, nhiều khi gần chạm vào nhau. Amidan có thể gây ra các biến chứng như:

Tại chỗ: Viêm tấy quanh amiđan, áp-xe amiđan.

Kế cận: Viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi.

Biến chứng xa: Viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng tim, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết.

Như trên ta thấy viêm amiđan là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cần phải loại bỏ, vì khi đã viêm nhiều lần nó mất hết tác dụng miễn dịch bảo vệ (giống như VA) và trở thành một ổ viêm chứa đầy vi khuẩn. Trên thực tế có nhiều người ngần ngại không muốn cắt amiđan vì nghĩ rằng cắt amiđan có thể nguy hiểm, nhiều khi dẫn tới tử vong. Thực ra đối với bất cứ phẫu thuật nào từ nhỏ tới lớn đều có những nguy hiểm nhất định. Trong cắt amiđan, những tai biến thường hay gặp có thể gây chết người đó là chảy máu, choáng do thuốc tê, co thắt thanh quản dẫn tới ngạt thở do sợ hãi quá. Chảy máu thường xảy ra do chỉ định phẫu thuật không đúng, bệnh nhân không được kiểm tra đầy đủ trước phẫu thuật, thầy thuốc tay nghề chưa vững. Phản ứng thuốc tê là do thuốc quá hạn, không đảm bảo chất lượng...; co thắt xảy ra do phẫu thuật thô bạo, tâm lý bệnh nhân yếu,...

Ngày nay những yếu tố trên đã được khắc phục nhiều, nên tỷ lệ tai biến ngày càng ít, nhưng vẫn không loại trừ được hẳn, vì hiện nay có nhiều người hành nghề, đúng chức năng, kỹ thuật, thuốc không đảm bảo. Vì vậy để chắc chắn, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai-mũi-họng với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn vững, có kỹ thuật phương tiện đảm bảo (thuốc, gây mê hồi sức...).

Một điều băn khoăn nữa của người bệnh đó là :"Sợ amiđan ở gần dây thanh quản, nếu cắt sẽ gây mất tiếng". Ðiều đó hoàn toàn không đúng, vì khoản cách từ amiđan tới thanh quản khá xa, phẫu thuật không ba giờ chạm tới được. Vấn đề mất tiếng hoặc ảnh hưởng tới giọng nói là nguyên nhân khác: Như ta đã biết họng tham gia việc phát âm, đóng vai trò như hộp cộng hưởng. Khi amiđan viêm sẽ làm biến đổi giọng, giọng thô rè, không vang. Ngoài ra, độc tố vi khuẩn có thể lan xuống thanh quản, gây viêm thanh quản dẫn đến mất tiếng. Vì thế rất cần cắt bỏ amiđan viêm này.

Khi nào nên cắt amiđan?

Khi amiđan gây các biến chứng như đã nói ở trên; có nhiều đợt viêm cấp trong một năm (3-5 đợt); viêm amiđan mạn tính quá phát, ảnh hưởng tới thở, phát âm, ăn uống.

Tạm thời không cắt amiđan khi: đang có viêm cấp hay có biến chứng tại chỗ; đang có nhiễm khuẩn toàn thân, có bệnh mạn tính chưa ổn định; có bệnh dịch hay ở vùng có bệnh dịch; phụ nữ có tha, kinh nguyệt.

Có thể cắt amiđan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường 4-5 tuổi trở lên mới cắt. Tuy nhiên có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt vì amiđan quá to, cản trở hoặc gây biến chứng. Viêm amiđan cũng nằm trong bối cảnh bệnh lý đường hô hấp trên, vì thế vấn đề phòng bệnh đóng vai trò mấu chốt nhất. phòng bệnh ở đây chủ yếu là chống nhiễm lạnh và ô nhiễm không khí (chủ yếu là do hút thuốc lá).
 

Thạc sĩ Vũ Công Trực
(Viện Tai-Mũi-Họng)